23/06/2020
Thị trường vốn là gì?
Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính, có chức năng cung ứng vốn đầu tư dài hạn (trên 1 năm) cho nền kinh tế thông qua sự sắp xếp theo thể chế để vay và cho vay tiền với những điều kiện và thời hạn khác nhau.
Đối tượng của thị trường vốn vay bao gồm các tổ chức tài chính đóng vai trò bên cho vay và các đơn vị kinh doanh, tập đoàn là các bên đi vay. Thị trường vốn cung cấp nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu tài chính cho Chính phủ và các doanh nghiệp.
Thị trường vốn cổ phần là một kiểu thị trường tài chính, trong đó nợ dài hạn (hơn một năm) hoặc chứng khoán vốn chủ sở hữu được mua và bán. Thị trường vốn kết nối sự dư dả của những người tiết kiệm tới những người có thể đưa nó vào sử dụng lâu dài, chẳng hạn như các công ty hoặc chính phủ sử dụng để đầu tư dài hạn. Thị trường vốn bao hàm nhiều công cụ tài chính khác nhau có thể được sử dụng cho các giao dịch tài chính. Các công cụ tài chính trên thị trường vốn bao gồm:
· Cổ phiếu.
· Trái phiếu công ty
· Vay thế chấp.
· Vay thương mại và vay tiêu dùng do ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cung cấp.
· Chứng khoán chính phủ và chứng khoán các cơ quan thuộc chính phủ.
Phân loại thị trường vốn
Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường
· Thị trường cổ phiếu: Nơi giao dịch mua bán, trao đổi các giấy tờ xác nhận cổ phần đóng góp của cổ đông.
· Thị trường trái phiếu: Thị trường mà hàng hóa mua bán là trái phiếu.
· Thị trường chứng khoán phái sinh: Không mua bán tài sản mà mua bán các quyền, các hợp đồng, các nghĩa vụ được chuyển nhượng quyền sở hữu từ bên này sang bên khác.
Căn cứ vào sự luân chuyển của nguồn vốn
· Thị trường sơ cấp: Đảm bảo nguồn vốn trung và dài hạn được huy động thông qua phát hành chứng khoán ra công chúng. Các ngân hàng thương mại đảm nhiệm vai trò trong việc bảo lãnh phát hành chứng khoán cho các đơn vị phát hành
· Thị trường thứ cấp: Nơi thu hút các nhà đầu tư mua bán lại chứng khoán giúp nâng cao tính thanh khoản cho các loại chứng khoán được giao dịch. Tại thị trường thứ cấp, việc buôn bán các công cụ tài chính hết sức linh hoạt và biến động một cách liên tục.
Chức năng của thị trường vốn
· Huy động tiết kiệm: Thị trường vốn là nguồn quan trọng để huy động tiền nhàn rỗi từ người dân để đầu tư thêm vào các kênh sản xuất của nền kinh tế.
· Tạo vốn: Thị trường vốn giúp hình thành vốn thông qua việc huy động các nguồn lực lý tưởng sử dụng đầu tư cho các mục tiêu phát triển kinh tế khác.
· Cung cấp một kênh đầu tư: Thị trường vốn đem lại kênh đầu tư cho những người muốn đầu tư nguồn lực trong một thời gian dài với tỷ suất sinh lời hợp lý thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu, cổ phiếu, các đơn vị của quỹ tương hỗ, chính sách bảo hiểm.
· Cung cấp dịch vụ: Thị trường cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bao gồm các khoản vay dài hạn và trung hạn cho ngành tư vấn, tài chính,...
· Tăng tính thanh khoản của các quỹ: Thị trường vốn có tính thanh khoản cao, cả người mua và người bán có thể dễ dàng mua và bán chứng khoán vì chúng luôn có sẵn.
· Tăng tốc độ phát triển kinh tế: Thị trường cung cấp vốn tài chính dài hạn đáp ứng các yêu cầu tài chính của các doanh nghiệp đồng thời giúp ích trong việc nghiên cứu và phát triển, từ đó tăng sản lượng và năng suất trong nền kinh tế bằng cách tạo công ăn việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng.
Đánh giá hoạt động thị trường vốn tại Việt Nam
Điểm mạnh
Tại Việt Nam, ngân hàng vẫn là kênh nắm giữ tỷ trọng lớn nhất trên thị trường vốn, sau đó mới đến trái phiếu và cổ phiếu. Nguồn vốn ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế chủ yếu thông qua các hoạt động tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2015 - 2018 lần lượt là 95,2%, 97%, 100%, 111,1%.
Những năm gần đây, thị trường vốn đã có sự dịch chuyển cơ cấu từ khu vực các tổ chức tín dụng sang thị trường chứng khoán.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán hiện nay đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam và có cơ cấu ngày càng vững chắc, hoàn thiện. Các doanh nghiệp trong nước đang hướng tới nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính với nhà đầu tư. Hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa mạnh mẽ đem lại cơ hội đầu tư lớn.
Thị trường vốn Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của Chính phủ. Chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch.
Hạn chế
Mặc dù đã có sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên, với quy mô ở mức nhỏ, ít loại hình sản phẩm, Việt Nam nằm ở vị trí tương đối thấp trong nhóm các thị trường mới nổi Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong vấn đề thị trường vốn.
Theo đó, trong bảng chỉ số phát triển thị trường vốn các nước Châu Á của McKinsey, Việt Nam xếp cuối trong số 12 nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát với 1,2/5 điểm. Ba tiêu chí là quy mô đầu tư, cơ hội đầu tư và hiệu quả chi phí có mức đánh giá lần lượt là “nông”, “nông” và “rất nông”.
Trong khí đó, các nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan được chấm lần lượt là 2,45/5, 2,8/5, 3,25/5 điểm. Nhật Bản đứng đầu bảng với 4,0/5 điểm.
Ngoài ra, thị trường vốn sơ cấp Việt Nam mang tính rủi ro cao, ít lựa chọn đáng tin cậy, ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, chi phí đầu tư đắt đỏ. Do đó, nhà đầu tư thường đổ lượng tiền lớn vào các tài sản như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng hơn là đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu.
Như vậy, bạn đã nắm được các thông tin cơ bản về thị trường vốn và hoạt động thị trường vốn tại Việt Nam. Trong những năm qua, hoạt động thị trường vốn tại Việt Nam mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ định thị trường vốn đã có những tăng trưởng nhất định và là kênh cung cấp vốn quan trọng không thể thiếu cho nền kinh tế.
Theo Thebank.vn
Tin tức mới nhất
Dịch vụ nổi bật