Quản lý thuế các doanh nghiệp có giao dịch liên kết

03/09/2020

Ngày 24/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định 68/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết, đảm bảo thực hiện được ngay mà không ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành.

Theo đó, ngày 14/7/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2835/TCT-TTKT hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2020/NĐ-CP; cụ thể: hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quy định áp dụng hiệu lực thi hành của Nghị định cho kỳ quyết toán thuế năm 2019 và xử lý hồi tố đối với các năm 2017 và 2018. Cụ thể như sau:

Đối với kỳ quyết toán thuế năm 2019:  Các Doanh nghiệp đã kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ tính thuế đến hạn trước ngày 31/3/2020 thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP; Các Doanh nghiệp chưa đến kỳ kê khai quyết toán thuế năm 2019 thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP .

Đối với việc xử lý hồi tố cho kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018: Thooonbrg cục Thuế nêu rõ, việc xử lý hồi tố chi phí lãi vay khống chế theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cho các năm 2017, 2018 chỉ áp dụng đối với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.

Cụ thể: Nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; Áp dụng phương pháp tính chi phí lãi vay thuần (lãi đi vay trừ (-) lãi tiền gửi, lãi cho vay); Không áp dụng hồi tố đối với quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm (b) (chuyển tiếp chi phí) và (c) (mở rộng đối tượng miễn áp dụng) tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP cho các năm 2017, 2018.

Về việc thực hiện bù trừ số thuế Thu nhập doanh nghiệp đã nộp trong các năm 2017 và 2018: Trường hợp áp dụng tính toán lại phạm vi theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP , nếu số thuế TNDN giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).

Trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra: Người nộp thuế thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020. Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết;

Trường hợp đã thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận, quyết định xử lý: Người nộp thuế đề nghị Cục thuế, Chi Cục thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế; các hồ sơ liên quan, bao gồm tài liệu của doanh nghiệp và tài liệu, biên bản của Đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch vào số thuế TNDN năm 2020.

Trường hợp cần thiết, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phối hợp với các Đoàn thanh tra, kiểm tra rà soát, xác định số liệu của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Tương tự trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra, nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết.

            Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế; không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định thanh tra, kiểm tra năm 2017, 2018.  Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Theo Tạpchitaichinh.vn