Hàng không ‘kiệt quệ’ trước thử thách kép

06/08/2020

Thách thức kép

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung của các hãng hàng không nội địa đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%. Đợt dịch COVID-19 đầu năm đã khiến ngành Hàng không thiệt hại nặng nề, chưa kịp phục hồi và thực hiện các kế hoạch khai thác thị trường thì tiếp tục phải đối mặt với đợt dịch lần 2.

Bên cạnh đó, hàng năm, đợt cao điểm hè của ngành Hàng không bắt đầu từ tháng 4-9, mặc dù các hãng đều đồng loạt mở hàng chục đường bay mới kết nối các địa phương, nhưng do dịch bệnh bùng phát bất ngờ trong tháng 7/2020 đã khiến các hãng không kịp trở tay. Với việc dừng toàn bộ các đường bay đi/đến từ Đà Nẵng và thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để tập trung khoanh vùng dập dịch, coi như các kế hoạch khai thác thị trường hè của hàng không gần như phá sản.

Khảo sát các kênh bán vé trực tuyến của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, hành khách hiện không thể đặt vé cho các chuyến bay đi/đến từ Đà Nẵng. Chặng bay này chỉ bắt đầu hiển thị từ ngày 12/8 sau khi lệnh dừng toàn bộ chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa hết hiệu lực và chưa biết đến khi nào gia hạn. Trên các chặng bay nội địa khác đến Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn… dù vẫn được khai thác bình thường và đang là mùa cao điểm hè, vé còn nhiều, giá rẻ, nhưng gần như không có khách. Thực tế này đồng nghĩa với đợt cao điểm hè đã kết thúc sớm so với kế hoạch hàng năm của các hãng hàng không.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, số liệu thống kê trong những ngày qua cho thấy, so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung của các hãng đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%. Đơn cử, ngày 30/7, các hãng hàng không chỉ khai khác 656 chuyến bay, chở hơn 93.500 hành khách, tỷ lệ khách trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 70%. Khả năng phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của thị trường hàng không như đợt đầu khó có thể xảy ra.

Ngoài ra, sau lệnh dừng bay đi/đến từ Đà Nẵng, có khoảng 80.000 vé phải hoàn, huỷ tính đến ngày 31/7, chưa tính lượng vé máy bay đã được hành khách đặt mua và bay trong tháng 8. Hiện, các hãng hàng không đều phải đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng, gia hạn bay đến hết tháng 10/2020.

Chưa hết, đến hết quý II/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không đều công bố kết quả kinh doanh kém nhất từ trước đến nay. Doanh thu của Vietnam Airlines quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm 2019 (24.363 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế âm 3.981 tỷ đồng so với mức lãi 206 tỷ đồng của cùng kỳ. Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhưng ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020. Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Vietjet Air dù thấp hơn dự kiến song hãng này cũng lỗ tới 989 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên từ khi niêm yết, Vietjet ghi nhận một quý kinh doanh lỗ.

Chờ các chính sách hỗ trợ

Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Qua tìm hiểu, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không Việt Nam (không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam). Cục Hàng không Việt Nam tạo điều kiện cho các hãng vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chở khách; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ trong ngành Hàng không chủ động hỗ trợ nhau…

Hiện nay, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá từ 10- 50%. Riêng dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng, đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ ngày 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành Hàng không tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Trong đó, bổ sung quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Nguồn: https://www.tapchihangkhong.com/hang-khong-kiet-que-truoc-thu-thach-kep/