29/05/2020
Lực đẩy mới
Mặc dù vẫn phải chờ ít ngày nữa, Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mới được ban hành, nhưng những thông tin hỗ trợ được đề cập trong Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 17/5/2020 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết đã được các hãng hàng không trong nước đón nhận rất tích cực.
“Chúng tôi hiểu, đất nước đang rất khó khăn về ngân sách, nên khoản hỗ trợ liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay mà Chính phủ dự kiến cho các hãng hàng không trong nước như vậy là rất đáng quý”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) chia sẻ.
Tại Thông báo số 185/TB-VPCP, Thủ tướng cho biết, sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, thời gian giảm đến hết quý IV/2020. Đây là chính sách mà đối tượng hưởng lợi chính là các hãng hàng không trong nước.
Trước đó, Hãng Hàng không quốc gia đã kiến nghị Chính phủ giảm 100% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/3 đến 31/12/2020. Ông Hiền tính toán, với sức tiêu thụ dầu JetA1 của đội tàu gồm hơn 100 chiếc, dù chỉ bay chưa đầy 1/3 do tác động của dịch Covid-19, nhưng cũng giúp Hãng tiết kiệm được khoảng 670 tỷ đồng; nếu giảm 50% thì số tiền là khoảng 340 tỷ đồng và giảm 30% là khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài đề xuất hỗ trợ liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm 50% phí cất hạ cánh, điều hành bay, đỗ tàu bay (từ 1/3 đến 31/12/2020); điều chỉnh chính sách khấu hao và chính sách phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng đội bay phù hợp với công suất sử dụng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đến ngày 31/12/2020; giãn, hoãn việc nộp các khoản thuế và các khoản đóng góp ngân sách nhà nước khác ít nhất 1 năm.
“Bất cứ chính sách hỗ trợ nào của Chính phủ hay từ các đối tác đều rất quý khi cùng cộng hưởng giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn”, ông Hiền nói.
Được biết, nhiều khả năng, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay không phải là khoản hỗ trợ duy nhất của Chính phủ đối với các hãng hàng không trong dịp này.
Khi góp ý Dự thảo Nghị quyết nói trên, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ trong thẩm quyền của mình cho phép áp dụng chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/3 đến hết tháng 9/2020; áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc Danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/3 đến hết tháng 9/2020; cho phép hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 9/2020 đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như hàng không, dệt may, da giày, sản xuất đồ uống...
Đối với Vietjet, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hãng hàng không tư nhân thế hệ mới này vẫn nỗ lực duy trì và bảo đảm việc làm của 6.000 người lao động, trong đó đa số là nhân lực hàng không có trình độ cao. Bản thân Vietjet cũng đang gánh chịu các khoản thuế, phí rất lớn. Trước khi đại dịch, tính đến năm 2019, Vietjet đã phục vụ trên 100 triệu lượt khách, đóng góp các khoản thuế, phí, lệ phí trực tiếp và gián tiếp trên 9.000 tỷ đồng/năm.
Với vai trò là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vietjet mong Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu và đưa thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức 0% từ ngày 23/1, kéo dài ít nhất đến 31/12/2020.
“Hiện chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng 35 - 40% tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không, gây áp lực rất lớn đến chi phí hoạt động. Do vậy, việc miễn hoặc giảm về gần tới 0% thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường là hết sức cấp thiết, giúp các hãng hàng không giảm chi phí hoạt động trong bối cảnh hiện nay”, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết.
Vietjet cũng kiến nghị được hỗ trợ lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại trong tổng hạn mức vay vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất được hỗ trợ giảm 5% trong 3 năm đầu để mua sắm trang thiết bị từ các chương trình, dự án. Phần bù lãi suất có thể cấn trừ vào các khoản thuế mà Vietjet nộp.
“Phần lãi suất hỗ trợ giảm trên sẽ giúp gia tăng nguồn lực để tiếp tục tăng trưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước”, bà Yến Phương cho biết.
Không để doanh nghiệp tự bơi
Cần phải nói thêm rằng, việc các hãng hàng không trong nước nhanh chóng nối lại hoạt động bay nội địa thực sự là cố gắng, nỗ lực rất lớn, bởi ngành hàng không là lĩnh vực chịu tác động trực diện, nặng nề nhất của dịch Covid-19 với tổng tổn thất toàn ngành có thể lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không vẫn rất lớn, do toàn bộ các đường bay quốc tế vẫn đang bị đóng băng, chưa thể định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình Covid-19 tại các điểm đến rất phức tạp. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mang lại các khoản doanh thu, lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không trong nước.
Đánh giá tác động của Covid-19 đã khiến thị trường hàng không Việt Nam và thế giới sụy giảm nghiêm trọng, Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 42,7 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2019. Với kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không năm 2022 cũng chỉ bằng xấp xỉ năm 2019.
Trong khi đó, Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) ước tính, đến cuối tháng 5 này, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ của các quốc gia. Do đó, tổ chức này kêu gọi Chính phủ các nước và ngành hàng không cần hợp tác đưa ra phản ứng phù hợp đối phó đại dịch này, bởi vì nguồn dự trữ tiền mặt của nhiều hãng đang dần cạn kiệt và nhiều trường hợp đã hết sạch.
Hiện nhiều liên minh hàng không toàn cầu như SkyTeam, Star Alliance và OneWorld cũng ra thông báo chung kêu gọi các Chính phủ và cổ đông hỗ trợ về mặt tài chính cho các hãng hàng không giữa bối cảnh Covid-19 đang bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trên thực tế, việc Chính phủ Thái Lan hôm 19/5 đã phải quyết định cho Thai Airways International - một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Á nộp đơn phá sản tại Tòa Phá sản Trung ương đã cho thấy, bên cạnh nỗ lực tự thân, các hãng hàng không cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ các Chính phủ nếu không muốn thị trường hàng không sụp đổ.
“Ngoài ý nghĩa kinh tế, giao thương, việc các hãng bay tồn tại và sớm khai thác trở lại còn đem đến niềm tin về việc Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn trong con mắt bạn bè quốc tế”, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các hãng hàng không cũng kỳ vọng, các hoạt động du lịch nội địa sẽ được tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa thông qua Chính phủ, các cơ quan chức năng và các địa phương để nhu cầu đi lại sớm hồi phục và được kích thích, mang lại nguồn thu từ nội địa - thị trường khách duy nhất đang khai thác của ngành hàng không.
Ngoài các chính sách hỗ trợ ngắn hạn, một số hãng hàng không mong muốn, Nhà nước đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng hàng không, phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước.
“Vietjet đề xuất được tạo điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, động cơ cũng như linh kiện khác cho đội tàu gần 100 chiếc của hãng. Hiện hàng trăm tàu bay của Vietjet phải bay ra nước ngoài bảo dưỡng, tiêu tốn hàng chục triệu đô - la mỗi năm, trong khi đó, đã có quy hoạch cho cơ sở này tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cam Ranh, nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được để triển khai các dự án đầu tư”, lãnh đạo Vietjet nói.
(Theo Tin nhanh Chứng khoán)
Tin tức mới nhất
Dịch vụ nổi bật