Hàng không hồi phục tích cực hậu Covid, một doanh nghiệp bán lẻ hàng không được dự báo doanh thu năm 2022 tăng 369%

11/07/2022

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, khi VnIndex giảm điểm mạnh hơn 20% so với mức đỉnh từng đạt được đầu tháng 4 (1.530 điểm), làm sao để chọn lọc ra được những cổ phiếu tiềm năng để đầu tư là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Trong một báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán SSI chỉ ra một cổ phiếu đảo chiều đáng chú ý trong bối cảnh phục hồi của ngành hàng không.

Cụ thể cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ hàng không Taseco giảm mạnh hơn thị trường và vẫn thấp hơn mức trước Covid-19. Tuy nhiên với việc thị trường hàng không nội địa dường như đã hồi phục hoàn toàn và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 nhờ nhu cầu du lịch phục hồi, SSI cho rằng đây thời điểm tốt để tích lũy AST cho mục tiêu dài hạn. Công ty chứng khoán này thậm chí còn dự báo doanh thu của ông trùm ngành bán lẻ sân bay tại Việt Nam tăng trưởng 369% trong năm 2022.

Thị trường hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ 

Thị trường trong nước đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn kể từ tháng 3 năm 2022. Covid-19 dường như đã được kiểm soát từ tháng 3, điều này đã giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng và các hoạt động du lịch.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước đã đạt mức trước Covid là 25.000 chuyến/tháng (cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các đường bay nội địa trong khi các chuyến bay quốc tế vẫn chưa phục hồi). Ước tính lượng hành khách nội địa trong tháng 5 đã đạt 125% mức của năm 2019 và con số này trong nửa đầu năm 2022 đạt 38,9 triệu hành khách (tăng 52,6% so với cùng kỳ). Như vậy, số liệu cho thấy thị trường hàng không trong nước đã hồi phục hoàn toàn và SSI kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu du lịch phục hồi tích cực.

Đối với thị trường quốc tế phục hồi chậm hơn thị trường trong nước. Việt Nam đã mở lại hoàn toàn biên giới cho khách du lịch quốc tế kể từ ngày 15/3/2022, với 24 quốc gia được miễn thị thực. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi sẽ cần nhiều thời gian do chính sách hạn chế biên giới không nhất quán giữa các quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc và Nga. Trong nửa đầu năm 2022, sản lượng hành khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt khách và Cục HKVN ước tính con số cả năm sẽ đạt 5 triệu lượt (tương đương đạt 12% kết quả năm 2019, và gấp 9,5 lần so với kết quả năm 2021). SSI cho rằng sẽ phải đợi đến năm 2024 để lượng hành khách toàn cầu phục hồi về mức trước Covid.

Các hoạt động kinh doanh dần hồi phục

Tại thời điểm đầu tháng 7, tất cả các cửa hàng trong nước của AST đã hoạt động trở lại, trong khi một số cửa hàng ở các nhà ga quốc tế vẫn đóng cửa (chủ yếu ở sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng, nơi phụ thuộc nhiều vào hành khách Trung Quốc và Nga).

Trước đó, CTCP Dịch vụ hàng không Taseco hoạt động cầm chừng trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là vào Quý 3 năm 2021, gần như tất cả các cửa hàng phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, AST vẫn duy trì kế hoạch mở rộng cửa hàng trong bối cảnh đại dịch. Số lượng cửa hàng của Tasco tăng từ 92 cửa hàng vào năm 2019 lên 105 cửa hàng vào năm 2021. Doanh nghiệp này tập trung mở mới ở sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc, nơi đang tìm cách tăng cường sự hiện diện và giành thị phần vào thời điểm các đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn về tài chính. Năm 2022, AST sẽ mua lại 51% cổ phần của CTCP Dịch vụ Hà Linh với giá chỉ 25 tỷ đồng. CTCP Dịch vụ Hà Linh đang quản lý 10 cửa hàng tại Sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc, và các cửa hàng này sẽ được hợp nhất vào AST trong 6 tháng cuối năm 2022.

Trong các năm tới, AST đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với việc mở thêm cửa hàng mới tại các sân bay hiện có và sân bay mới (nhà ga quốc tế Phú Bài, sân bay quốc tế Long Thành).

Với mảng dịch vụ suất ăn, nhà máy VinaCS tại Sân bay Nội Bài của AST đã hoạt động trở lại, với hiệu suất hoạt động hiện tại là 80% công suất thiết kế (12.000 suất ăn/ngày) và đã có lãi trở lại. Tuy nhiên, nhà máy VinaCS tại Cam Ranh vẫn đóng cửa do lượng hành khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc và Nga phục hồi chậm.

Với mảng kinh doanh khách sạn, A la carte Đà Nẵng hiện đang hoạt động với công suất từ 50-60% và có thể đạt 100% trong các ngày cuối tuần và ngày lễ. Với việc điều chỉnh từ hình thức trả tiền thuê cố định sang hình thức chia sẻ doanh thu giữa chủ sở hữu căn hộ condotel và AST theo tỷ lệ 42:58 kể từ quý 4 năm 2021, nguồn thu của doanh nghiệp này được cải thiện phần nào trong thời gian khó khăn. 

Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/hang-khong-hoi-phuc-tich-cuc-hau-covid-mot-doanh-nghiep-ban-le-hang-khong-duoc-du-bao-doanh-thu-nam-2022-tang-369-520227715411939.htm