Dịch COVID-19: Cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành hàng không

05/06/2020

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện số lượng tàu bay cất hạ cánh tại Nội Bài giảm khoảng 50% so với trước thời điểm dịch COVID-19. Việc giảm sản lượng khai thác này cũng là lúc “cái khó ló cái khôn” để ngành hàng không đẩy nhanh việc sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn nhất là tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Vẫn là vướng cơ chế

Theo TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, việc sửa chữa, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh của Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có chủ trương từ lâu nhưng do vướng cơ chế nên chưa thể triển khai được.

Một điểm xuống cấp trên đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: G.T

Từ năm 2018 đến nay Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản kiến nghị với Chính phủ đề nghị bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng (đường cất hạ cánh), đường lăn tại hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân chính do các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa được đồng bộ, nên khi phân chia ra trách nhiệm ra thì nhiều ý kiến cho rằng việc này là thuộc trách nhiệm sửa chữa là của Nhà nước. Trong khi đó, ACV là doanh nghiệp cổ phần nhưng có đến 95% phần vốn Nhà nước. Do đó, cần thay đổi cơ chế và cách suy nghĩ để sửa các văn bản mang tính chất pháp quy để gỡ.

Cũng theo TS. Trần Quang Châu, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không này đang trong mức báo động, hiện hư hỏng đang ở mức 40-45% do khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bêtông… Thời gian gần đây Việt Nam đã tiếp nhận nhiều máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như A350-900, B787-9 khiến hệ thống sân đường khu bay Tân Sơn Nhất bị xuống cấp nghiêm trọng. Tương tự, đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối bằng bêtông ximăng của Nội Bài cũng đã bị quá tải và hư hỏng nặng. Mặc dù, ACV đã tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng, nhưng chỉ được thời gian ngắn lại tiếp tục xuống cấp. Nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn trong quá trình khai thác, thậm chí phải đóng cửa đường băng.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV - ông Lại Xuân Thanh, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã đưa khu bay của Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào diện giám sát đặc biệt. Do đó, hàng tuần ACV phải cập nhật báo cáo về các hư hỏng tại 2 đường bằng này. Nếu không sớm cải tạo sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bay cao.

Biến khó khăn thành cơ hội

Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, thẩm định để lập hồ sơ xác định tính cấp bách của nhiệm vụ này; trên cơ sở đó căn cứ các quy định về dự án khẩn cấp của Luật Đầu tư công 2019 để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm việc triển khai dự án, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Theo TS. Trần Quang Châu, nếu đã giao cho ACV thì để ACV bỏ vốn ra làm rồi tự hạch toán, cân đối vì đây cũng là vốn Nhà nước, việc này đã tranh cãi từ nhiều năm và chủ yếu do các quy định không rõ ràng và chồng chéo.

Ông Châu cho rằng, trước đây mỗi ngày Nội Bài có trên 500 chuyến cất hạ cánh nhưng thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 270 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày. “Đây là cơ hội vàng để thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh này, nếu chần trừ sẽ mất cơ hội”, ông Châu cho hay.

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là 1.876 tỉ đồng. Tiếp đến,  nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay cảng hàng không quốc tế Nội Bài với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là 2.276 tỉ đồng.

Và mới đây, Chính phủ giao Bộ GTVT tính toán, xác định nhu cầu vốn cụ thể; rà soát, điều chỉnh trong tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch năm 2020 để cân đối vốn cho dự án. 

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-te/dich-covid-19-co-hoi-nang-cap-co-so-ha-tang-nganh-hang-khong-792276.ldo